CB2 – Bài 5: Giới thiệu về Bánh mì

Món Bánh mì thì chắc không xa lạ gì với tất cả mọi người rồi. Tất cả mọi người, già, trẻ, lớn, bé hẳn ai cũng đã từng một lần thử qua bánh mì. Nếu ở Châu Á, cơm là loại thực phẩm không thể thiếu trong mọi bữa ăn thì ở phương Tây, bánh mì cũng đóng vai trò quan trọng tương tự. 

Không giống với các món bánh Cake, Bánh mì được chế biến từ bột mì có hàm lượng protein cao, men nở, nước và một xíu muối và cách làm cũng khác hẳn. Nếu các công đoạn thực hiện bánh Cake cầu kỳ và kỹ lưỡng đến bao nhiêu thì cách làm Bánh mì lại đơn giản bấy nhiêu. Bánh mì cơ bản được thực hiện bằng cách trộn các nguyên liệu lại với nhau trong âu rồi mang đi nhào đến dẻo mịn, sau đó mang đi ủ đến khi bột nở gấp đôi rồi tạo hình bánh, ủ lần hai rồi mang đi nướng là đã có ngay một ổ bánh mì thơm lừng, giòn rụm.

Vì thành phần nguyên liệu đơn giản là thế nên người thợ làm bánh sẽ thay đổi tỉ lệ các nguyên liệu hoặc thêm thắt các loại quả, hạt khô vào công thức để tạo nên các loại bánh mì khác nhau. Bên cạnh đó, cách tạo hình cũng như loại bột mì được sử dụng cũng tạo nên hương vị đặc trưng cho từng loại bánh mì. Dưới đây là một số loại bánh mì phổ biến mà các bạn thường gặp trong các cửa tiệm bánh mì

Các loại bánh mì trắng

Là loại bánh mì phổ biến nhất trong các nhóm bánh mì nhờ vào sự phổ biến và đa dụng của bột mì trắng. Bánh mì làm từ bột mì trắng thường có vị ngọt nhẹ, dễ chế biến và phù hợp với hầu hết mọi nguời, tuy nhiên vì bột mì trắng trải qua quá trình xử lý loại bỏ hoàn toàn lớp cám bao bọc hạt lúa mì nên bột mì trắng được đánh giá là ít bổ dưỡng hơn so với các loại bột mì nguyên cám

Bột mì trắng có thể được dùng để làm hầu hết các loại bánh mì nên rất được ưa chuộng và tin dùng bởi các thợ làm bánh. Một số loại bánh mì trắng nổi tiếng phải kể đến Baguette, Brioche, White Amish (Sandwich),… Bánh mì Việt Nam cũng là loại bánh mì sử dụng bột mì trắng.

Bánh mì đen

Trái ngược với bánh mì trắng, Bánh mì đen (hay Bánh mì lúa mạch) được làm từ loại bột mì xay xát từ hạt lúa mạch đen. Bánh mì đen thường dày đặc, chứa hàm chất xơ cao và bổ dưỡng hơn so với bánh mì làm từ bột mì trắng

Bành mì đen rất tốt cho những người đang trong chế độ ăn kiêng vì chúng chứa nhiều chất xơ, ít ngọt và béo hơn. So với bánh mì trắng, bánh mì đen có chỉ số glycemic thấp hơn (tăng ít mức đường trong máu) nên rất phù hợp cho những người bị bệnh tiểu đường

Các loại bánh mì ngũ cốc

Là loại bánh mì được chế biến từ loại bột tổng hợp các loại ngũ cốc nguyên cám, là yếu tố khiến loại bánh mì này có màu nâu sậm. Bánh mì ngũ cốc là một loại thực phẩm đặc biệt bổ dưỡng, cung cấp nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.

Ở Việt Nam vì bánh mì ngũ cốc ít phổ biến nên các loại bột mì ngũ cốc hoặc bột mì nguyên cám chỉ có thể tìm thấy ở các cửa hàng bán nguyên liệu làm bánh chuyên dụng

Bánh mì nhanh (quick bread)

Dù gọi là bánh mì nhanh nhưng loại bánh này chả có gì liên quan đến bánh mì hết :D.

Quick bread (tạm dịch là Bánh mì nhanh) là loại bánh được thực hiện bằng cách trộn các hỗn hợp nguyên liệu khô và ướt lại với nhau rồi cho vào khuôn mang đi nướng. Tên gọi bánh mì nhanh xuất phát từ cách làm nhanh gọn cũng như tính đa dụng của loại bánh này (nhân mặn hay ngọt tuỳ thích và có thể dùng ăn như một bữa trong ngày). 

Một số loại bánh mì nhanh phổ biến như Bánh mì chuối, các loại Muffin nhân mặn, ngọt,…

Trong tất cả các loại bánh mì thì chỉ có Quick bread là không sử dụng Bột làm bánh mì và Men nở trong công thức, và chính vì điều đó nên cũng có rất nhiều tranh luận diễn ra về việc Quick bread có được tính là một loại Bánh mì (Bread) hay không. Vậy Men nở và Bột làm bánh mì đóng vai trò như thế nào mà lại quan trọng đến như vậy? Chúng ta sẽ được tìm hiểu lần lượt trong hai bài tiếp theo ngay sau đây nhé!

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
error: Content is protected !!