Với bạn nào đã từng làm bánh mì rồi thì chắc không còn xa lạ gì với men nở, còn với những bạn chưa làm bao giờ thì chắc chắn khi làm bánh mì sẽ gặp loại nguyên liệu này hoài luôn :P. Lý do bởi men là chất xúc tác không thể thiếu trong quá trình làm bánh mì để bánh có thể nở to, xốp và tạo nên hương vị đặc trưng của bánh mì. Để hiểu hơn cách thức hoạt động và cách dùng của men nở trong quá trình làm bánh, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới này nhé!
Đầu tiên, men là gì và cách thức hoạt động của nó như thế nào nhỉ?
Nói một cách khoa học và đầy đủ, men là một loại vi sinh vật có khả năng tiết ra một số loại enzymes giúp thúc đẩy quá trình lên men trong bột bánh mì, giúp chuyển hóa protein trong bánh để tạo ra rượu và khí các-bon. Khí các-bon sẽ được sợi gluten giữ lại, nở phồng to để tạo độ phồng xốp cho bánh mì trong khi rượu sẽ bay hơi trong quá trình nướng.
Nói một cách ngắn gọn, men là chất chuyển hoá các thành phần trong bột bánh mì nhằm tạo ra khí các-bon (thông qua quá trình ủ) để làm nở bánh (chu trình tương tự khi sản xuất rượu)
Không giống như baking soda hay baking powder (các chất làm nở trong bánh ngọt), vì men là một loại vi sinh vật sống (nghe hơi rợn rợn nhỉ :P) nên men chỉ hoạt động trong môi trường nhiệt độ thích hợp, từ 27-35 độ C. Nếu nhiệt độ môi trường cao hoặc thấp hơn khoảng này thì men sẽ hoạt động yếu hoặc thậm chí không hoạt động, ảnh hưởng đến quá trình ủ bánh (bánh không nở).
Men nở làm bánh trên thị trường có khá nhiều loại và thương hiệu khác nhau, tuy nhiên nếu xét về đặc tính thì sẽ được phân làm ba nhóm chính:
-Men tươi (Fresh yeast/ Compressed yeast): loại này Thuận chưa dùng bao giờ nên không có kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên theo tìm hiểu thì men tươi thường được đóng thành bánh, hơi ẩm và dễ bóp vụn (các bạn xem thêm hình để dễ tưởng tượng), thường được các đầu bếp chuyên nghiệp dùng vì mùi vị thơm ngon khi làm bánh mì. Men tươi được trộn trực tiếp vào bột hoặc trộn vào trước với nước ấm trong khoảng 5 phút để men hoạt động (hỗn hợp mềm mượt, nổi bọt nhẹ) rồi mới được trộn với bột để đảm bảo men hoạt động tốt. Hạn chế của men tươi là sử dụng ngắn, thường được đóng thành bánh to, khó bảo quản trong thời gian dài.
-Men khô (Dry yeast): loại này thì Thuận chia thành 2 nhóm là “Men khô cần kích hoạt” (Active dry yeast) và “Men khô dùng ngay” (Instant dry yeast). Các bạn có thể xem sự khác biệt của hai loại theo bảng so sánh dưới đây:
Men khô cần kích hoạt (Active dry yeast) | Men khô dùng ngay (Instant yeast) | |
Tên gọi khác | Dry yeast/ Active dry yeast | Instant yeast/ rapid rise/ quick rise yeast |
Dạng/ kết cấu | Hạt thô to, màu vàng sẫm, | Hạt nhuyễn mịn, màu vàng nhạt |
Kích hoạt trước khi dùng | Có (trộn men với nước ấm nhiệt độ 32-38 độ C trong 5-10 phút trước khi dùng) | Không (trộn trực tiếp với bột và các nguyên liệu) |
Trong các công thức bánh mì trên Bakez, Thuận thường dùng Instant yeast vì dễ sử dụng và không yêu cầu quá nhiều kỹ thuật khi thực hiện. Tuy nhiên, để đảm bảo sử dụng men đúng cách (kể cả loại dễ nhất là instant yeast) thì các bạn cần lưu ý một số điểm sau:
–Nhiệt độ môi trường phù hợp để men hoạt động tốt: 27-35 độ. Nói một cách dễ hiểu là các nguyên liệu sử dụng trong công thức phải được để ở nhiệt độ phòng khi thực hiện các công đoạn làm bánh.
-Trong trường hợp nếu dùng men cần kích hoạt thì nhiệt độ chất lỏng dùng để kích hoạt men không được quá nóng (làm chết men) hoặc quá lạnh (ức chế men). Có thể dùng nhiệt kế để đảm bảo nhiệt độ yêu cầu.
–Muối là loại gia vị có khả năng ức chế hoạt động của men nên khi phối trộn nguyên liệu hạn chế cho men và muối tiếp xúc với nhau (không cho vào cùng lúc hoặc nên trộn kỹ muối với các nguyên liệu khác trước khi cho men vào)
Nếu các bạn không có ý định làm bếp chuyên nghiệp thì Thuận nghĩ các thông tin trong bài phân tích này tương đối đầy đủ, vì để đi chi tiết hết thì chắc phải viết tới mùa quýt năm sau mất :D. Tất nhiên trong các công thức Thuận sẽ note thêm một số thông tin cần biết và lưu ý nên các bạn cũng không cần lăn tăn gì nhe. Nếu các bạn có thắc mắc hay có gì cần bổ sung cho bài viết, đừng ngần ngại comment phía dưới để mình cùng thảo luận nhé!
Hi Thuận,
Thuận cho hỏi mình có thể nhồi và ủ men số lương lớn và khi cần dùng đem ra tạo hình , ủ lại và nướng được kg? Nếu đươc thì cách bảo quản bột đã nhồi ra sao ạ? Cám ơn Bạn vì bài viết thật bổ ich .
Thu Hà
Hi Hà ơi, Thuận chưa hiểu câu hỏi của Hà lắm, ý Hà là Hà muốn nhào bột với men và ủ trước, bảo quản trong tủ lạnh khi nào cần mới lấy ra dùng đúng không? Nếu là vậy thì câu trả lời là được nha Hà ơi :D. Tuy nhiên có một lưu ý nhỏ là nên bảo quản bột đã ủ ở nhiệt độ thật thấp (3-5 độ) để bột tạm ngưng quá trình nở to, với lại cách bảo quản này chỉ áp dụng cho các loại bánh mì lạt thôi nhé, các loại bánh mì… Đọc tiếp »
đợt mình có đọc instant yeast thuộc nhóm GMO – biến đổi gen đó 🙁 bùn ghê gớm
Hi Alice ơi, nhờ Alice thông tin mà mình mới biết vụ đó luôn. Thuận vừa mới tìm xem một vài bài báo về vấn đề này, các báo tiếng Việt thì không thấy nhưng với các bài viết tiếng Anh thì Thuận tìm được một số thông tin. Nói chung cũng không rõ lắm về vấn đề này nên Thuận sẽ tìm hiểu thêm nhé. Nếu thế chắc hội làm bánh tại gia như tụi mình chắc phải chuyển dần sang dùng men tươi rồi nhỉ 😛
Ừa, mới sắm bọc instant yeast chà bá, ráng xài hết rồi chuyển qua active dry yeast — loại này non-GMO, an toàn hơn đó Thuận
Chắc phải vậy quá 😛 nhưng active dry yeast có vẻ khó tìm hơn do mấy tiệm bán nguyên liệu chuyên dụng thường bán instant hơn do dễ dùng với nhiều bạn cũng hay mua. Để hôm nào Thuận mua thử xem. Nếu có làm thêm bài phân tích về GMO luôn :D.
Cám ơn Alice nhiều thiệt nhiều vì đã chia sẻ thông tin nhé <3
Hihi, không có gì. Thuận thử nghiên cứu vụ ủ chậm, từ khoá: retard bread dough nha. Mình thử với công thức bánh mì Hokkaido của Thuận ra thành phẩm vị ngon hơn hẳn luôn á. Nhưng có lẽ kỹ thuật kém nên bánh hơi xẹp. Hihi. Thử rồi chia sẻ kinh nghiệm nha
À phương pháp ủ chậm Thuận có thử với nhiều công thức rồi và đúng là thớ bánh sẽ dai, dậy mùi thơm hơn hẳn. Tuy nhiên, với các món bánh có nhân ngọt hoặc nhiều đường thì việc ủ chậm này sẽ khiến men ăn đường nhiều hơn khiến bánh bị nặng mùi men rượu nên Thuận đang nghiên cứu thêm xem tỉ lệ các nguyên liệu như thế nào là ổn nhất. Mong là sẽ hoàn thành sớm để có bài chia sẻ cho các bạn nè 😛
Cảm ơn các bạn rất nhìu đã chia sẻ thông tin cho “đồng bào” … a thanks thanks ..o
Không gì nhé Yen ơi :D. Bakez cám ơn Yen vì đã quan tâm và yêu thích bài viết nhé!
Thuận ơi cho mình hỏi mình chỉ làm bánh nhà ăn thôi mà mình mua gói men hiệu nhãn vàng loại làm bánh mì á đến 500g vậy khi monhf sài cis ít vậy số còn lại mình bảo quản thế nào để men k hư và sử dụng đuọc lâu , cám ơn Thuận nh
Hi Mai ơi, Hồi trước Thuận cũng bị trường hợp này luôn, đi mua men mà không tìm được gói nhỏ nên phải mua gói lớn :P. Trước tiên Mai xem thời hạn sử dụng trên bao bì nhé, nếu là men khô thì mình có thể buộc chặt miệng túi (hoặc cho vào lọ kín) rồi bảo quản ở nhiệt độ phòng ở nơi khô ráo là có thể dùng vô tư (tất nhiên phải trong hạn sử dụng trên bao bì), và lưu ý mỗi lần dùng nên thực hiện thêm bước kích hoạt men để đảm bảo… Đọc tiếp »
men phản ứng với tinh bột cho ra CO2 and Alcohol. Dù gì mình rất thích những kiến thức của bạn Thuận đã trao đổi trên đây. Cám ơn Thuận.
Hi Cường ơi, cảm ơn Cường đã quan tâm và yêu thích bài viết nhé. Về phần góp ý của Cường mình vẫn chưa hiểu rõ lắm, Cường có thể nói rõ hơn được không vì nếu có sai sót hay nhầm lẫn nào trong bài viết thì mình sẽ xem lại và chỉnh sửa nhé 😀
Mình muốn hỏi, mình dùng men istant yeast, mình có kích hoạt bằng sữa ấm. Mình nhào bột ủ rồi, sao nó không nở ra?
Hi Thành ơi. Nếu bột không nở có thể do men không hoạt động, có 2 lý do dẫn tới tình trạng này: 1. Men hết hạn sử dụng: tức là men không còn sử dụng được. Mình kiểm tra bằng cách xem hạn sử dụng trên bao bì và kích hoạt men (theo hướng dẫn trong bài) xem men có còn dùng được không nhé (men còn dùng được sẽ nổi mảng bọt như riêu cua trên mặt lớp sữa). 2. Men chết do tác động nhiệt: thường là do chất lỏng kích hoạt men hoặc khi trộn nguyên… Đọc tiếp »